16 thg 2, 2009

Tản mạn về buồn

Buồn là thuộc tính của con người. Nói như vậy không có nghĩa là loài động vật hay thực vật không biết buồn. Rất nhiều chuyện kể đã cho thấy loài vật, đặc biệt là những con thú được gần gũi với con người, thường thể hiện buồn vui. Và khoa học cũng đã chứng minh là các loài cây cỏ cũng có nỗi buồn riêng.

Con người khi mới lọt lòng chưa ý thức được nỗi buồn, dù vừa mới chào đời đã cất tiếng khóc. Tiếng khóc đầu tiên của con người không phải biểu hiện của nỗi buồn như nhiều nhà văn, nhà triết học mô tả. Đó chỉ là tiếng khóc sinh lí, khóc để hệ thống hô hấp làm việc tốt hơn khi vừa mới tiếp xúc với môi trường mới, sau chín tháng mười ngày nằm trong khối nước ối của bụng mẹ.

Những năm tháng đầu đời, đứa trẻ chưa có ý thức sự hiện diện của nó trên cõi đời, và vì chưa ý thức nên trẻ chưa biết buồn. Như vậy chính cuộc sống và những điều xảy ra trong cuộc đời đã làm cho người ta biết buồn. Nỗi buồn của lòai người tăng theo thời gian, càng sống, người ta càng buồn và càng thấm thía nỗi buồn cho nhân thế và cho thân phận.

Tự điển tiếng Việt có rất nhiều từ để chỉ tâm trạng buồn. Buồn, buồn buồn, buồn hiu, buồn rã rượi, buồn thiu, buồn nẫu ruột, buồn bã, buồn bực, buồn rầu, buồn tênh...Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có nhiều câu thơ mô tả nỗi buồn:

Đoạn trường lúc ấy nghĩ mà buồn tênh.
Buồn trông cửa sổ chiều hôm.
Buồn trông ngọn nước mới sa.
Buồn trông nội cỏ dàu dàu.
Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh.
Buồn trông phong cảnh quê người.
Đã buồn cả ruột lại dơ cả đời.
Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai....

Buồn trong những câu thơ của cụ Tiên Điền mỗi lúc mỗi diễn tả tâm trạng khác nhau, đó là nỗi buồn cho thân phận, nhìn cảnh mà đau đớn người.

Trong ca dao tục ngữ Việt Nam cũng có rất nhiều câu diễn tả nỗi buồn:

Ngồi buồn quẫy nước trông trăng
Nước trong, trăng lặn buồn chăng hỡi buồn...

Cá buồn cá lội tung tăng
Em buồn em biết đãi đằng cùng ai...

Ca dao cũng có những câu so sánh nỗi buồn như dòng sông:

Bên vui cứ lở, bên buồn bồi thêm...

và nhiều nhiều nữa....

Buồn là đối cực của vui. Thông thường khi vui người ta cười, khi buồn thì khóc, nhưng đôi khi cũng có điều ngược lại;

Khi vui lại khóc, buồn tênh lại cười.

Buồn do nhiều nguyên nhân, buồn cho sự đời, buồn vì mất người thân, buồn vì xa cách, biệt li, buồn vì bực mình, buồn vì thất bại, buồn vì thất tình, buồn vì bế tắc, vì khổ đau, vì nghèo đói, vì bị ức hiếp....vv...

Và cũng có khi buồn vô cớ, buồn chẳng có lí do gì:

Tôi buồn không biết vì sao tôi buồn.
(Xuân Diệu)

Buồn muôn hình vạn trạng. Buồn được thể hiện vô cùng phong phú trong văn chương, nghệ thuật và cả trong đời sống hàng ngày. Niềm vui thì hữu hạn, nhưng nỗi buồn thì vô cùng. Đã buồn rồi thì làm chi cũng buồn, nhìn gì cũng thấy buồn;

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
(Truyện Kiều)

Người ta thường tìm quên nỗi buồn trong rượu, nhưng càng say càng buồn.

Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu cộng lại một ngày dài ghê

(Truyện Kiều)

Và do vậy khi đứng trước nỗi buồn của người thân, của bè bạn, người ta thường chia buồn, chia cho vơi bớt nỗi buồn. Và khi vui thì ta xin góp vui vào để cho niềm vui thêm lớn.

Những nghệ sĩ tài năng đôi lúc thể hiện nỗi buồn không thấy con người, nhưng đọc lên nghe buồn vô kể, đó là cảnh buồn tâm trạng ;

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngã.
Củi mấy cành khô lạc mấy dòng
(Tràng Giang - Huy Cận)

Nỗi buồn của con người thì vô cùng vô tận, bởi mỗi thân phận có nỗi buồn khác nhau, mỗi hòan cảnh có nỗi buồn riêng.

Làm người ta phải luôn thông cảm và thấu hiểu trước nỗi buồn của đồng lọai. Khi con người vô cảm trước những nỗi đau buồn của những người chung quanh mình, đó là lúc ta tự hạ mình để trở thành thú vật mất rồi. Và đôi khi còn thua cả lòai vật vì có những con vật rất đồng cảm với nỗi đau của bầy đàn:

Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ

Và khi con người không còn thông cảm nỗi đau của nhau, thờ ơ một cách vô tư trước nỗi đau thì chỉ còn vực sâu thấu hiểm nỗi niềm;

Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo
Con diều rơi cho vực thẳm buồn theo

(Tôi ơi, đừng tuyệt vọng - Trịnh Công Sơn)

Một xã hội vẫn còn những kẻ ăn trên ngồi tróc, hút máu mủ của đồng lọai và không còn chút cảm xúc trước nỗi buồn nhân thế, thì xã hội đó đã bị thú vật hóa, chỉ toàn là CON không có NGƯỜI. Một xã hội chỉ chú trọng đến vật chất mà quên nỗi đau tinh thần, nỗi buồn nhân loại thì xã hội đó đang đi đến chỗ tự hủy diệt để trở về cuộc sống bầy đàn.

Buồn do cuộc sống mà ra, muốn bớt nỗi buồn chỉ còn cách làm cho cuộc sống niềm vui, tâm an tĩnh, lòng thanh thản trước những bất trắc, tránh mọi chấp nê, xua tan những đố kị, ganh đua. Đừng tham lam quá mức vì cuộc đời rất sòng phẳng, cho tay này thì sẽ lấy lại ở tay kia.

Được như vậy, ta chỉ có bớt buồn chứ chưa hết nỗi buồn của con người. Nhưng biết làm sao, vì đã là con người thì phải có buồn. Nói hoài không hết. Mong rằng ở thế giới bên kia không có nỗi buồn để những người đã mất được một niềm an ủi là đã tránh xa được nỗi buồn nhân thế và những người ở lại cũng bớt sợ hãi khi phải xa lìa chốn ở trọ này.

Sống là phải buồn, nên buồn cũng là một cách để tồn tại. Khi không còn biết buồn nữa, tức là đã không còn sống nữa.

Bài viết của hoạ sĩ Đỗ Duy Ngọc (c) www.yXine.com 2007

0 nhận xét:

Đăng nhận xét